Luật sư tranh tụng
- I. BẠN HIỂU NHƯ THẾ NÀO LÀ LUẬT SƯ GIỎI TRANH TỤNG
- 1. KHÁI NIỆM/ĐỊNH NGHĨA VỀ TRANH TỤNG
Khái niệm tranh tụng được biết đến ngay từ những thời đại xa xưa của xã hội loài người. Loại tố tụng này đã được áp dụng từ thời kỳ Hy lạp cổ đại. Ở thời đấy, nguyên cáo bị cáo đã được nhờ người thân của mình bào chữa trước tòa án. Sau đó nó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục”. Cùng với thời gian, tranh tụng tiếp tục được kế thừa, phát triển và từng bước được khẳng định và đến nay nó được áp dụng hầu hết ở các nước thuộc hệ thống luật lục địa cũng như hệ thống luật án lệ.
Ở Việt nam, có thể nhận xét tranh tụng trên các bình diện dưới đây:
Về mặt lập pháp: khái niệm tranh tụng chưa được chính thức ghi nhận hoặc giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta được ban hành từ năm 1945 đến nay.
Về mặt ngôn ngữ: Theo Từ điển tiếng Việt, tranh tụng có nghĩa là kiện cáo lẫn nhau1. Còn theo nghĩa Hán Việt thì thuật ngữ tranh tụng được ghép từ hai từ “tranh luận” và “tố tụng”. Tranh tụng là tranh luận trong tố tụng. Trong tố tụng bao giờ cũng có sự tham gia của các bên có quyền và (hoặc) lợi ích trái ngược nhau yêu cầu tòa án phân xử. Để có cơ sở cho tòa án có thể phân xử, pháp luật quy định cho các bên tham gia tố tụng quyền khởi kiện vụ việc ra trước tòa án, chứng minh và tranh luận để bảo vệ yêu cầu của mình.
Như vậy, tranh tụng bao giờ cũng gắn liền với hoạt động tài phán của tòa án. Xét xử dân sự là hoạt động phân xử vụ kiện giữa các bên có quyền và lợi ích khác nhau. Tại phiên tòa, tòa án tiến hành xác định sự thật của vụ án bằng cách điều tra công khai, chính thức về vụ việc, nghe các bên tranh luận về giải quyết vụ án từ góc độ nội dung cũng như pháp luật áp dụng để ra phán quyết.
Tùy theo tính chất vụ án mà chức năng tố tụng, địa vị pháp lý của các bên cũng khác nhau. Tranh tụng trong tố tụng hình sự diễn ra giữa bên buộc tội và bên bào chữa, chủ yếu là giữa công tố với người bào chữa và bị cáo; trong tố tụng dân sự diễn ra giữa nguyên đơn với bị đơn dân sự. Để những người đó thực hiện việc tranh tụng, pháp luật tố tụng quy định cho họ các quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định. Vì vậy, trong khoa học pháp lý, tranh tụng được phân thành tranh tụng dân sự, tranh tụng kinh tế, tranh tụng hành chính2.
Theo nghĩa rộng: Tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng thì quá trình tranh tụng này sẽ bao gồm toàn bộ các giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử,xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo nghĩa hẹp: Tranh tụng là sự đối đáp, đấu tranh giữa các bên đương sự với nhau về chứng cứ, yêu cầu và phản đối yêu cầu của mỗi bên để từ đó nhằm chứng minh cho đối phương và Tòa án rằng yêu cầu và phản đối yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp
2. BẢN CHẤT CỦA TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA
2.1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TRANH TỤNG TẠI TÒA ÁN
Sự ra đời và phát triển của khái niệm tranh tụng trong tố tụng gắn liền với sự hình thành và phát triển của các tư tưởng dân chủ, tiến bộ trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tranh tụng không chỉ là thành tựu pháp lý đơn thuần, mà cao hơn nó là thành tựu của sự phát triển tư tưởng, của nền văn minh nhân loại. Trong xã hội hiện đại, ở các nước dù có tổ chức hệ thống tư pháp khác nhau, dù là hệ thống luật án lệ (common law), hệ thống luật lục địa (legal law) hay hệ thống luật xã hội chủ nghĩa, thì ít hay nhiều và bằng các thể hiện khác nhau, trong hệ thống tố tụng đều có yếu tố tranh tụng. Đây là cơ chế tố tụng có hiệu quả bảo đảm cho tòa án xác định sự thật khách quan của vụ án, giải quyết đúng đắn vụ việc, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ các quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng.
Trong tất cả các loại tranh tụng, tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Tòa án thực hiện chức năng như một trọng tài có địa vị độc lập với các bên để phân xử một cách khách quan, theo pháp luật. Trong tố tụng hình sự, chức năng xét xử của tòa án độc lập với chức năng buộc tội và chức năng bào chữa; trong tố tụng dân sự, kinh tế, tòa án là người đứng ra phân xử giữa bên khởi kiện và bên bị kiện để ra phán quyết về vụ án.
Trong toàn bộ quá trình tố tụng, xét xử đóng vai trò trung tâm, thể hiện đầy đủ nhất bản chất của hệ thống tư pháp của mỗi nhà nước, là giai đoạn quyết định tính đúng đắn, khách quan của việc giải quyết vụ án, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Trong xét xử, phiên tòa là giai đoạn có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong giải quyết vụ án, thực hiện các nhiệm vụ, mục đích tố tụng đặt ra. Vai trò quyết định đó của phiên tòa thể hiện ở những điểm sau đây:
– Thứ nhất, phiên tòa là nơi tòa án bằng thủ tục công khai, toàn diện thực hiện cuộc điều tra chính thức để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tòa án ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa. Việc chứng minh (bao gồm cả quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ) được các chủ thể có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa, nguyên đơn, bị đơn) thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa khi xét hỏi cũng như tranh luận. Việc chứng minh và từ đó xác định sự thật của vụ án được tòa án thực hiện trên cơ sở chứng cứ được thu thập, thẩm tra tại phiên tòa và cân nhắc, đánh giá của các bên tham gia tố tụng khác nhau;
– Thứ hai, phiên tòa đảm bảo sự tham gia của những người tham gia tố tụng. Hơn ở đâu hết, tại phiên tòa quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng được quy định và được đảm bảo thực hiện đầy đủ nhất bằng thủ tục tố tụng trực tiếp, công khai. Tại phiên tòa khó có thể xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như bức cung, ép cung, dùng nhục hình v.v…;
– Thứ ba, phiên tòa là nơi có điều kiện tốt nhất để thực hiện việc áp dụng đúng đắn pháp luật. Qua phân tích nội dung các đề xuất của các bên tham gia tố tụng về áp dụng pháp luật, Tòa án lựa chọn cho mình phương án áp dụng pháp luật chính xác nhất để giải quyết đúng đắn vụ án;
– Thứ tư, phiên tòa là nơi tốt nhất thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Thông qua thủ tục tại phiên tòa, việc điều tra công khai, việc tranh luận và đặc biệt là qua việc công bố một bản án đúng đắn, hợp lý, hợp tình, tòa án giúp cho những người tham gia tố tụng cũng như những người tham dự phiên tòa nâng cao hiểu biết pháp luật, củng cố lòng tin vào pháp luật để từ đó không chỉ tự nguyện tuân thủ pháp luật, mà còn tích cực tham gia vào đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật v.v.
Như vậy, phiên tòa là giai đoạn trung tâm thể hiện đầy đủ nhất bản chất quá trình tố tụng nói chung và xét xử nói riêng. Phiên tòa có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng với địa vị pháp lý được xác định. Thông qua phiên tòa, bằng thủ tục trực tiếp, công khai, qua nghe ý kiến và đề xuất của các bên tham gia tố tụng, tòa án (với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng quan trọng nhất) tiến hành xác định sự thật khách quan của vụ án và ra các phán quyết giải quyết vụ án một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan và đúng pháp luật.
3. NHỮNG PHẨM CHẤT, YÊU CẦU CỦA MỘT LUẬT SƯ GIỎI TRANH TỤNG
Nói đến người hành nghề luật là phải nói đến các luật sư, dù là luật sư hành nghề chuyên sâu về tranh tụng hay tư vấn thì luật sư luôn phải là một chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào mình tham gia. Trên thực tế có hay không một luật sư như vậy? với ngành nghề khác thì không chắc nhưng với nghề luật sư thì điều kiện tiên quyết phải là như vậy bởi những đặc thù của nghề này. Sau đây là một số tiêu chí để có thể trở thành một luật sư giỏi.
3.1 Có tâm với nghề:
Là một luật sư nói riêng và người làm trong lĩnh vực pháp luật nói chung thì nhất thiết bạn phải có cái tâm sáng, luôn luôn tôn trọng sự thật khách quan. Người ta vẫn ví những người làm trong lĩnh vực tư pháp là những người có thể đổi trắng thay đen, biến một người có tội nặng thành tội nhẹ, tội nhẹ thành vô tội và ngược lại. Cũng có câu ví luật sư như những con rắn có cái lưỡi không xương uốn éo sẵn sàng giối trá. Câu nói này xuất phát từ hiện tượng có không ít người đã vì lợi ích cá nhân mà dám bóp méo sự thật. Những người như vậy không sớm thì muộn cũng sẽ phải giải nghệ hoặc nhận quả báo. Nghề nào cũng cần phải có cái tâm với nghề, tuy nhiên người hành nghề luật lại càng cần cái tâm sáng – cao hơn nữa. Sự trung thực với sự thật khách quan, thượng tôn tinh thần luật pháp của luật sư sẽ góp phần làm cho xã hội trong sạch hơn.
3.2 Có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, giải quyết vấn đề:
Người ta vẫn thường hay gọi luật sư là các thầy cãi cũng bởi nghề luật là nghề nói, nghề cãi. Vì vậy kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng thuyết phục, diễn giải vấn đề 1 cách khúc chiết luôn là những kỹ năng quan trọng nhất. Hãy thử tưởng tượng xem, trong 1 phiên tòa mà vị luật sư cứ nói ấp a ấp úng, diễn đạt lủng củng, không rành mạch… thì liệu thân chủ của anh ta có bao nhiêu phần trăm thắng cuộc? Để có được những kỹ năng này, bạn cần phải chịu khó rèn luyện thường xuyên. Hãy tập nói 1 mình trước gương hay cùng 1 vài người bạn tập hợp lại để tranh luận về một vấn đề cùng quan tâm. Bạn cũng có thể tham gia các khoá học về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Một điều nữa là trước khi diễn thuyết, bạn nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề mình sẽ nói, lên dàn bài cho nội dung mình sẽ nói…
3.3 Có tư duy phân tích, tổng hợp, phán đoán, và tư duy logic:
Bạn cần phân tích các hành vi xảy ra trong vụ kiện, sau đó xâu chuỗi tất cả những hành vi này thành một hệ thống, thấy đâu là nguyên nhân, là điều cốt lõi của vụ kiện hay là một cánh cửa mở để đi theo nó mà thu thập thông tin tiếp. Tất cả những sự tư duy này luôn phải đảm bảo nguyên tắc logic chứ không thể đem cách suy nghĩ cảm tính vào được. Sự hiểu biết về tâm lý con người nói chung và tâm lý tội phạm nói riêng cũng sẽ giúp cho những luật sư dễ dàng tìm ra nguyên nhân của những hành vi phạm tội.
3.4 Có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ
Bên cạnh những điều kiện, kỹ năng trên, bạn cũng cần phải có trình độ ngoại ngữ tốt để có thể làm việc tốt trong thời đại hội nhập ngày nay. Là một luật sự giỏi, bạn hoàn toàn có thể tham gia vào các vụ kiện tụng mang tính chất quốc tế hay các vụ kiện tụng có sự tham gia của người nước ngoài ở Việt Nam. Những vụ như vậy sẽ đem lại cho bạn rất nhiều kinh nghiệm cũng như một khoản thù lao không nhỏ đó. Đừng để rào cản ngôn ngữ mà hạn chế khả năng, cơ hội của mình.
4. CÁC KỸ NĂNG HÀNH NGHỀ CỦA LUẬT SƯ
4.1. Kỹ năng tư vấn
Kỹ năng tư vấn của luật sư thể hiện sự am hiểu về pháp luật, kinh nghiệm xử lý tình huống qua các kỹ năng trao đổi, nắm bắt thông tin, phản ánh từ khách hàng cung cấp. Trên cơ sở đó đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để đưa ra những định hướng, tư vấn phù hợp với nội dung vụ việc của khách hàng
4.2. Kỹ năng thu thập và đánh giá chứng cứ
Trong hoạt động tư vấn pháp luật, quá trình thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ sau đó đưa ra một giải pháp cho khách hàng là quá trình diễn ra nhanh chóng và đòi hỏi độ chính xác, độ tin cậy cao. Khi nghe khách hàng trình bày, luật sư yêu cầu khách hàng của mình làm rõ những vấn đề cần quan tâm, yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, đó là luật sư đang thu thập chứng cứ. Song song với hoạt động thu thập chứng cứ, luật sư nghiên cứu chứng cứ. Trong trường hợp tư vấn bằng miệng, luật sư vừa thu thập chứng cứ vừa nghiên cứu và đánh giá chứng cứ. Đây là một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn thông qua hoạt động tư duy của con người để nhanh chóng tìm ra được giải pháp tối ưu trong thời gian nhanh nhất. Trong quá trình nghiên cứu và đánh giá chứng cứ, luật sư tư vấn cần sử dụng nhiều biện pháp khác nhau và kết hợp thành một quá trình logic để đưa ra một hoặc nhiều kết luận. Tất nhiên quá trình nghiên cứu và đánh giá chứng cứ không phải lúc nào cũng xẩy ra trong hoạt động tư vấn. Có nhiều trường hợp khách hàng hỏi về những thủ tục mà đấy là một phần chuyên môn của luật sư. Có khi chỉ cần kiểm tra lại các dữ liệu để phân biệt giúp khách hàng hoàn thành thủ tục mà họ yêu cầu. Trong phần lớn các yêu cầu tư vấn của khách hàng đều yêu cầu trả lời chi tiết và lý giải tại sao, vì vậy, luật sư tư vấn phải đưa ra các luận cứ sắc bén, có sức thuyết phục để trả lời khách hàng của mình.
4.3 Kỹ năng ứng xử với các cơ quan tố tụng
Khi nói đến “kỹ năng ứng xử của luật sư trong không gian văn hóa phiên tòa”, chúng ta không thể không trình bày đôi nét khái quát về bản chất của phiên tòa. Có thể nói, phiên tòa là nơi Tòa án thực hiện cuộc điều tra chính thức, đầy đủ và công khai để xác định sự thật khách quan của vụ án.Do tính chất của cuộc điều tra công khai tại phiên tòa thông qua việc kiểm tra đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, tại phiên tòa với đầy đủ thành phần như: Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…Do đó, tại không gian phòng xử án, trong tiến trình tố tụng xét xử vụ án, luật sư phải vận dụng một cách nhuần nhuyễn kỹ năng ứng xử với:
(i) Ứng xử với người tiến hành tố tụng ( Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên);
(ii) Ứng xử với khách hàng ( bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự) và những người tham gia tố tụng khác.
5. VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ THAM GIA TỐ TỤNG
Luật sư tranh tụng tại toà án là một hoạt động của luật sư trong nhiều hoạt động nghề nghiệp khác. Trong vụ án dân sự, luật sư tranh tụng tại vụ án, gọi là Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Còn vụ án hình sự, luật sư tranh tụng tại toà án được gọi là Người bào chữa.
Luật sư tranh tụng tại toà án cần rất nhiều kỹ năng để thực hiện tốt thiên chức của mình. Ngoài đòi hỏi kiến thức chuyên ngành tốt, luật sư tranh tụng cần phải có kỹ năng đối đáp, phản biện và đặc biệt là phải có “độ nhạy” trước các tình huống pháp lý phát sinh tại phiên toà.
Một luật sư tranh tụng giỏi không phải tự nhiên mà có, họ phải rèn luyện kỹ năng, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều năm với quyết tâm cao và lòng yêu nghề.
Không ít những luật sư khi ra đời, bị “mắng” bởi các thẩm phán xét xử về nhận thức cũng như cách thể hiện. Cũng có những luật sư, bị khách hàng than phiền, là nhiều khi “cãi” còn dỡ hơn thân chủ của mình.
Luật sư tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án có vai trò sau đây:
- Được tòa triệu tập với tư cách luật sư bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự để tham gia phiên tòa Sơ thẩm, phúc thẩm hoặc Giám đốc thẩm, Tái thẩm nếu Tòa án thấy cần thiết.
- Luật sư tham gia hòa giải, tham gia phiên tòa hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị cáo.
- Luật sư thay mặt đương sự,bị cáo yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo qui định củaBộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự.
- Tranh luận tại phiên tòa bằng bản luận cứ với đại diện viện kiểm sát trong phiên tranh tụng tại phiên tòa hình sự , dân sự… trình bày bản luận cứ bảo vệ đương sự , bị cáo trong phiên tòa hình sự, dân sự, lao động, kinh tế.
- Đưa ra lý lẽ, luận cứ, luận điểm đáp trả các quan điểm trái chiều có thể bất lợi cho quyền, nghĩa vụ của người được bảo vệ.
Sự tham gia của luật sư trong tố tụng hình sự hay tố tụng dân sự không chỉ giúp bị can, bị cáo, người được bảo vệ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm.
Luật sư tranh tụng đóng một vị trí rất quan trọng, giúp đỡ cho bị cáo, các đương sự hiểu đúng, hiểu đủ quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật, tránh bị các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của mình cũng như hiểu được phiên bản án quyết định của các cơ quan tố tụng tuyên đối với đương sự đã đúng pháp luật hay chưa tranh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài làm ảnh hương đến thời gian kinh tế cho các bị cáo, đương sự..
Như vậy, một luật sư tranh tụng giỏi trong quá trình cải cách tư pháp ngày nay đòi hỏi phải hội tụ đầy đủ những điều cần và đủ đó là: phải có tố chất, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh,trí tuệ, sự tâm huyết với nghề, hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ công lý.
II. TẠI SAO KHÁCH HÀNG LẠI CẦN ĐẾN NHỮNG CÔNG TY LUẬT UY TÍN ĐỂ THUÊ LUẬT SƯ BÀO CHỮA/BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP
1. XU HƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP HÓA CỦA CÁC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Theo xu hướng phát triển và chuyên nghiệp hóa hiện nay các tổ chức hành nghề luật sư (bao gồm Văn phòng luật sư, Công ty luật) đang có xu hướng chuyên nghiệp hóa về định hướng và chiến lược phát triển của mình dựa trên đội ngũ nhân sự, cộng sự. vì vậy, có việc phân hóa về đường lối trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho xã hội. Có những đơn vị chuyên thực hành trong lĩnh vực doanh nghiệp, giấy phép con, có tổ chức luật chuyên về sở hữu trí tuệ, có văn phòng chuyên về mảng đầu tư, có Công ty luật chuyên về tranh tụng hoặc theo hình thức hỗn hợp – tức là hoạt động đa dạng trong tất cả các lĩnh vực pháp lý mà pháp luật cho phép…
Bởi vậy, khi khách hàng có nhu cầu và mong muốn được cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến tranh tụng để bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, người thân, gia đình… trong các vụ việc pháp lý sẽ tìm hiểu về tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư cùng các cộng sư nơi đó dựa trên các nguồn thông tin chính thống từ các dịch vụ thông tin như báo chí, truyền thông, mạng xã hội và cả người quen để nắm bắt được thực tiễn rồi quyết định gửi gắm niềm tin bằng việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý.
2. CÁC NHÂN TỐ CỦA DỊCH VỤ LUẬT SƯ TRANH TỤNG
2.1 Yêu cầu về luật sư tranh tụng
Trước hết, một tổ chức hành nghề luật sư (sau đây gọi tắt là ‘CÔNG TY LUẬT”) uy tín về tranh tụng cần phải có cung cấp dịch vụ tư vấn và dịch vụ luật sư tranh tụng tại toà án các cấp với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cụ thể là Công ty luật đó phải có đội ngũ luật sư nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết, chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong việc giải quyết các tranh chấp đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng trong các vụ việc, vụ án như hình sự, Dân sự, kinh tế, lao động, đất đai, hành chính, hôn nhân gia đình. Theo đó, luật sư nắm bắt được tình hình và thực tiễn vụ việc của khách hàng phải tư vấn được cho khách hàng các khía cạnh pháp lý và định hướng, đường lối giải quyết như sau:
Tư vấn về chiến lược giải quyết tranh chấp; phân tích và đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của các bên tranh chấp;
Tư vấn về cách thức, biện pháp giải quyết tranh chấp đại diện cho khách hàng trong việc đàm phán giải quyết tranh chấp với đối tác.
– Tham gia điều tra, thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, tài liệu; tư vấn và hỗ trợ khách hàng soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ xuất trình trước tòa án, trọng tài.
Tư vấn về thủ tục và quy trình liên quan đến thi hành án; nhận đại diện trong thủ tục thi hành án dân sự;
– Đại diện theo ủy quyền và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự trong các vụ án việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.
– Bào chữa cho người bị nghi là tội phạm trong vụ án hình sự.
– Cử luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân gia đình.
2.2 Tiêu chí đánh giá
Để đánh giá một văn phòng, Luật sư có thể căn cứ theo nhiều yếu tố. Cơ bản thông qua những yếu tố sau:
- Đánh giá Luật sư qua thâm niên công tác: Càng làm lâu trong nghề, tuổi nghề cao thường đi kèm với việc Luật sư có chuyên môn và kinh nghiệm trong công việc càng nhiều. Tuy nhiên đây cũng chỉ là hiểu theo đa số còn trong thực tế có thể sẽ khác. Những người tuổi nghề chưa cao nhưng lại có kỹ năng, chuyên môn cao hơn nhiều so với người có tuổi nghề cao. Điều này còn tùy theo tố chất, độ nhạy bén, học tập rèn luyện và có thể cũng do người trẻ được kế thừa kinh nghiệm từ người đi trước,…
- Đánh giá Luật sư qua danh tiếng , tên tuổi của Luật sư đó qua thông tin cập nhật được từ nhiều nguồn;
- Đánh giá Luật sư qua quy mô văn phòng, mức độ chuyên nghiệp khi tiếp cận và giải quyết vụ, việc
- Đánh giá Luật sư qua trò chuyện trực tiếp: Luật sư giỏi và có tâm là người bình tĩnh lắng nghe vấn đề của bạn, bình tĩnh đánh giá phân tích và hướng dẫn bạn, không khoe mẽ, khuếch trương, ba hoa hay hứa hẹn hão huyền.
- 3. Khách hàng cần luật sư bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì cần làm những thủ tục gì?
3.1. Thủ tục mời luật sư bào chữa
Bị can, bị cáo nếu không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam thì có thể trực tiếp đến mời luật sư. Hoặc nếu không đi được do bị cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc do bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam thì người thân là cha hoặc mẹ, vợ hoặc chồng hoặc con đến làm thủ tục mời luật sư bào chữa. Khi đến khách hàng cần đem theo Chứng minh nhân dân và các tài liệu giấy tờ liên quan đến vụ án nếu có, ví dụ thông báo về việc bắt, quyết định bắt tạm giữ, quyết định bắt tạm giam….
Luật sư sau khi nghiên cứu các tài liệu và lắng nghe khách hàng trao đổi sẽ nhận định và tư vấn sơ bộ, ví như hành vi của bị can, bị cáo có khả năng phạm vào tội danh nào? Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử? Thời hạn giải quyết vụ án khoảng bao lâu? Cần làm gì để cứu chữa cho hành vi của bị can, bị cáo bớt phần nghiêm trọng…
Tùy từng vụ án cụ thể, luật sư định hình các công việc sẽ thực hiện khi tham gia bào chữa và thông báo mức phí thù lao. Trường hợp khách hàng đồng ý thì hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý.
3.2. Thủ tục để xác lập tư cách người bào chữa với luật sư
Về thủ tục mời người bào chữa và xác lập tư cách người bào chữa của luật sư được thực hiện theo quy định sau:
Theo quy định tại điểm c, điều 4, thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
c) Trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa là luật sư thì Điều tra viên hướng dẫn họ viết giấy yêu cầu luật sư, nếu yêu cầu đích danh luật sư bào chữa (có họ tên, địa chỉ rõ ràng) thì trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ, Cơ quan Điều tra có trách nhiệm gửi giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can cho luật sư mà họ nhờ bào chữa bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh; trường hợp người bị tạm giữ, bị can viết giấy nhờ người thân (có họ tên, địa chỉ rõ ràng) liên hệ nhờ luật sư bào chữa cho họ thì trong thời gian hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị tạm giữ, bị can có giấy nhờ người thân, Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi giấy đó cho người thân của người bị tạm giữ, bị can bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh.
Đồng thời, theo quy định tại điều 5, thông tư 70/2011/TT-BCA thì luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tham gia tố tụng phải có đủ các giấy tờ theo quy định như: Thẻ luật sư; Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, của người thân người bị tạm giữ, bị can…; Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề; Văn bản phân công của đoàn luật sư
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.
Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.
Tuy nhiên theo quy định Điều 78 Luật Tố tụng Hình 2015 có hiệu lực kể từ 01/07/2016 thì đã bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, theo đó: Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ tương ứng với từng loại đối tượng tham gia bào chữa: Luật sư xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện hoặc của người thân thích của người bị buộc tội.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký người bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa trong hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Như vậy đây là bước tiến quan trọng trong việc tiến hành thủ tục mời luật sư và luật sư sẽ tham gia vào vụ án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của thân chủ, chiến đấu hết khả năng và trí tuệ của mình cho công lý giúp thân chủ của luật sư bào chữa.
3.3. Thủ tục mời luật sư trong các vụ án phi hình sự
Theo quy định của Luật Tố tụng dân sự và hành chính đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 hiện nay thì thủ tục mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án dân sự, hành chính được tiến hành như các vụ án hình sự. Còn việc xác lập tư cách luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự sẽ được thực hiện và tiến hành theo các quy định mới của hai luật tố tụng dân sự và hành chính. Cụ thể là:
- Về Luật tố tụng dân sự 2015 theo khoản 4, khoản 5 Điều 75;
- Về Luật tố tụng hành chính 2015 theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 61.