Vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp” xảy ra tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Tp. Hà Nội

Xã hội ngày càng hiện đại và phát triển thì những vấn đề phát sinh trong cuộc sống ngày càng nhiều. Những mâu thuẫn, tranh chấp tồn tại trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình,…. Trong đó, có những vấn đề nổi cộm và tồn đọng kéo dài điển hình phải nói đến tranh chấp đất đai. Ở Việt Nam, đất đai là một loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, việc sử dụng đất là vấn đề thường hay phát sinh tranh chấp trên thực tế.
Những năm gần đây, tình hình tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Các dạng tranh chấp đất đai phổ biến trong thực tế chủ yếu là: hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng chuyển đổi, ủy quyền, cho thuê, thừa kế, tặng cho,….quyền sử dụng đất. Việc dẫn đến những tranh chấp trên chủ yếu là do việc quản lý đất đai còn thiếu sót; việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiến hành chậm; việc lấn chiếm đất đai diễn ra ngày càng phổ biến,… và đặc biệt là đất đai từ chỗ không có giá trị nay trở thành tài sản có giá trị cao.
Quyền của chủ sử dụng đất ngày càng trở thành quyền tài sản có giá trị thương mại, dễ dàng giao dịch thì phát sinh tranh chấp ngày càng nhiều. Đối với đất nông nghiệp, quyền của nông dân đối với đất nông nghiệp cũng ngày càng được ổn định, thời hạn sử dụng kéo dài tới 50 năm và có thể được gia hạn. Chính vì vậy, cùng các loại tranh chấp khác, tranh chấp về quyền sử dụng đất nông nghiệp xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những tranh chấp về quyền sử dụng đất nông nghiệp là việc trao đổi đất tràn lan giữa những người sử dụng đất nông nghiệp với nhau. Khi trao đổi chỉ nói qua bằng miệng hoặc dùng giấy viết tay rất sơ sài dẫn đến tình trạng khi giá trị của thửa đất có sự thay đổi thì xảy ra tranh chấp, gây mất tình cảm gia đình, tình cảm làng xóm.
Một vụ việc tiêu biểu cho tình trạng trên là vụ án về “Tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp” xảy ra tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Tp. Hà Nội giữa hai bên đương sự là gia đình bà Dương Thị Vân, ông Đặng Văn Hiền với ông Dương Văn Đoàn, bà Nguyễn Thị Lan.
Bà Dương Thị Vân và ông Dương Văn Đoàn là chị em ruột, vì tin tưởng nhau đồng thời để thuận tiện cho việc canh tác và sản xuất nông nghiệp nên vào ngày 10/10/2005 vợ chồng ông bà Vân – Hiền chúng tôi có đổi một thửa đất cho ông Dương Văn Đoàn và bà Nguyễn Thị Lan để được quản lý, sử dụng 02 thửa đất nông nghiệp.
Khi thực hiện việc chuyển đổi trên, do kiến thức về pháp luật hạn chế và tin tưởng lẫn nhau nên hai bên không làm hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ làm đơn ủy quyền sử dụng đất nông nghiệp và đã ký thỏa thuận đầy đủ. Ngày 16/4/2008, ông Nguyễn Ngọc Khánh – chủ nhiệm ban Quản trị Hợp tác xã Tân Trào đã ký nhận sự việc trên là đúng.
Từ khi nhận chuyển đổi từ vợ chồng ông Đoàn – Lan, ông bà Vân- Hiền là người trực tiếp canh tác, sản xuất, sử dụng ổn định hai mảnh đất trên và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính cho Hợp tác xã Tân Trào.
Đến năm 2021, 02 thửa đất trên được Nhà nước thu hồi để làm dự án. Do khi chuyển đổi đất, hai bên gia đình vẫn chưa làm thủ tục sang tên, làm lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi có quyết định bồi thường thì người được hưởng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là gia đình ông Đoàn – bà Lan. Trong khi đó hai bên đã có thỏa thuận trao đổi đất và vợ chồng Vân – Hiền cũng là người trực tiếp quản lý, sử dụng ổn định, không có tranh chấp hai thửa đất suốt 16 năm nay.
Hai bên gia đình đã nhiều lần thỏa thuận, thống nhất về số tiền được chi trả sau khi thu hồi đất nông nghiệp nhưng đều không tìm được tiếng nói chung và dẫn đến mẫu thuẫn, xích mích tình cảm chị em trong gia đình.
Vì vậy, ngày 23/11/2022, bà Dương Thị Vân và ông Dương Văn Hiền đã tìm đến sự giúp đỡ của Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Giám đốc của Công ty Luật TNHH Thuận Thiên mong muốn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất.
Với sự hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật, nền văn hóa, các chính sách kết hợp cùng kinh nghiệm thực tiễn luôn giải quyết tốt nhất những vấn đề pháp lý của khách hàng. Đồng thời, nhận biết được quan hệ pháp luật trong vụ việc này là tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp và mối quan hệ giữa bà Vân và ông Đoàn là anh em ruột nên để tránh gây thêm những mẫu thuẫn khó giải quyết trong gia đình, Luật sư Tiệp đã đưa ra định hướng cho khách hàng tự hòa giải là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, phía bên gia đình ông Đoàn – bà Lan nhiều lần không hợp tác, vì vậy Luật sư Tiệp lại tiếp tục cùng đồng hành với khách hàng thực hiện những bước tiếp theo.
Theo quy định của pháp luật đất đai, tranh chấp đất đai phải được hòa giải ở UBND xã, phường nơi có đất tranh chấp. Luật sư Tiệp đã soạn công văn yêu cầu hòa giải và nhiều lần đến trực tiếp trụ sở của UBND phường Xuân Đỉnh yêu cầu tổ chức một buổi hòa giải tranh chấp đất đai giữa hai bên gia đình.
Ngày 13/01/2023, UBND phường Xuân Đỉnh tổ chức buổi hòa giải tranh chấp đất đai giữa gia đình ông bà Vân – Hiền và gia đình ông Dương Văn Đoàn (đại diện là chị Dương Thị Bạo – con gái ông Đoàn). Trong buổi hòa giải, nhờ công tác hòa giải của cán bộ Tư pháp phường Xuân Đỉnh và những lập luận chặt chẽ, thấu tình đạt lý của phía bên Luật sư Nguyễn Trung Tiệp đã giúp cho hai bên đi đến được sự thống nhất, quyết định được việc phân chia tỷ lệ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Buổi hòa giải kết thúc bằng một Biên bản hòa giải thành – đây là một kết quả vô cùng mĩ mãn, vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc của hai bên đương sự khi không phải khiếu nại, khiếu kiện vừa giữ được tình cảm anh chị em trong gia đình.